HIỆU TRƯỞNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC

Tên file: HT-QUAN-LY-CONG-TAC-GIAO-DUC-DAO-DUC.doc
Tải về

HIỆU TRƯỞNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC

Quản lý, chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của chủ thể quản lý ( Hiệu trưởng ) để phát huy cao nhất sức mạnh của những điều kiện khách quan cũng như những điều kiện chủ quan nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đạo đức cho học sinh ở cấp tiểu học.

  1. Vị trí, vai trò của công tác giáo dục đạo đức

Giáo dục đạo đức là một bộ phận, một mặt giáo dục quan trọng của giáo dục trong nhà trường ở nước ta “ dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng, là cái gốc rất quan trọng” ( Hồ Chí Minh, Bài nói với cán bộ, học sinh Trường đại học Sự phạm Hà Nội, ngày 21010-1954 ).

“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” ( Hồ Chí Minh. Về vấn đề giáo dục. NXB Giáo dục Hà Nội,1990.tr.261 )

Đối với học sinh Tiểu học, giáo dục đạo đức là điều đặc biệt coi trọng. Cha ông chúng ta thường nói: “ dạy con từ thuở còn thơ”, “ tiên học lễ, hậu học văn”. Giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học là điều cần thiết là vì :

– Học sinh Tiểu học đang ở tuổi ngây thơ, trong trắng dễ dàng tiếp nhận sự giáo dục

– Những kết quả giáo dục có được ở vào lứa tuổi này có một ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến cuộc đời của đứa trẻ.

Giáo dục đạo đức ở trường Tiêu học sẽ góp phần tích cực đào tạo học sinh trở thành những công dân yêu nước, sống và làm việc theo đạo lý và pháp luật, có bản lĩnh ( niềm tin và ý chí ), có năng lực và ham muốn tham gia chủ động tích cực vào cuộc sống hòa bình, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  1. Những yêu cầu đối với Hiệu trưởng khi quản lý, chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học

Việc chỉ đạo quá trình giáo dục đạo đức và quản lý công tác giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học đòi hỏi nhà quản lý giáo dục ( Hiệu trưởng ) phải tạo được các điểu kiện thuận lợi nhất để thiện hiện hóa mục tiêu và các nhiệm vụ giáo dục đạo đức ở cấp bậc Tiểu học như đã nêu trên

Để nội dung giáo dục đạo đức vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội, của thời đại, vừa phù hợp với đặc điểm giáo dục ở bậc cấp Tiểu học, yêu cầu đối với sự chỉ đạo của Hiệu trưởng cụ thể là :

– Xác định rõ nội dung các nguyên tắc đạo đức và các phạm trù cơ bản của lãnh đạo đức trên cơ sở phương pháp luậnkhoa học chân chính.

– Quản lý, chỉ đạo theo công tác giáo dục đạo đức phải nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của công tác này.

– Quản lý, chỉ đạo quá trình giáo dục đạo đức phải đảm bảo cho quá trình đó thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc giáo dục đạo đức cho học sinh.

– Quản lý, chỉ đạo các hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh phải nắm vững và sử dụng có hiệu quả các con đường, các phương pháp và phương tiện giáo dục đạo đức để giáo dục học sinh.

– Người Hiệu trưởng cùng với tập thể sư phạm cũng phải là tấm gương sáng về nhân cách, là mẫu mực tiêu biểu của những phẩm chất đạo đức mà nhà giáo dục, nhà quản lý muốn giáo dục cho học sinh.

  1. Những nội dung cơ bản trong quản lý, chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học của người Hiệu trưởng

3.1 Hiệu trưởng quản lý, chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức thông qua công tác xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức

Việc xây dựng kế hoạch là một công đoạn không thể thiếu được của bất kỳ một công tác quản lý nào của người Hiệu trưởng. Có xây dựng kế hoạch mới xác định được mục tiêu sẽ đạt đến, hệ thống các biện pháp sẽ thực hiện, thời gian để đạt những chỉ tiêu đã đề ra … Tránh trường hợp chăng hay chớ, làm tới đâu hay tới đó.

3.2 Xây dựng cơ cấu bộ máy quản lý, chỉ đạo hoạt động giáo dục đạo đức

3.2.1 Cơ cấu

Bộ máy quản lý, chỉ đạo hoạt động bao gồm :

  • Hiệu trưởng
  • Phó Hiệu trưởng
  • Cốt cán: Công đoàn; Chi đoàn; Tổng phụ trách Đội ,…

3.2.2 Nhiệm vụ

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chung – Trực tiếp xây dựng kế hoạch hoạt động. Chỉ đạo cho các bộ phận thực hiện theo đúng kế hoạch, theo trình tự thời gian. Tiến hành tổ chức phân công các thành viên tham gia thực hiện mọi công việc thuộc lĩnh vực giáo dục đạo đức, đảm bảo đi đúng hướng theo chủ trương và kế hoạch chung của trường.

Tổ khối chuyên môn: Giúp hiệu trưởng chỉ đạo và tự giác tham gia các hoạt động Sư phạm, hoạt động chuyên môn, có trách nhiệm quản lý hoạt động giáo dục đạo đức của tổ khối theo kế hoạch được phân công.

Cốt cán : gồm Chủ tịch công đoàn; Bí thư chi đoàn; Tổng phụ trách Đội

Tham gia hổ trợ hoạt động theo đúng chức năng của mỗi đoàn thể. Phát động phong trào theo đúng chủ đề, chủ điểm năm học, nội dung thực hiện, các hoạt động ngoại khóa: văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan dã ngoại, danh thắng đền đài, di tích lịch sử, thăm viếng bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ neo đơn…, các hoạt động từ thiện xã hội nguyên góp cứu trợ,….

3.3 Hiệu trưởng thực hiện công tác giáo dục đạo đức thông qua quản lý, chỉ đạo dạy và học môn đạo đức ở trường tiểu học

Môn đạo đức ở trường Tiểu học có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác giáo dục đạo đức, vì thông qua bài học, người giáo viên sẽ trang bị cho học sinh hệ thống kiến thức về đạo đức theo một trương trình khá chặc chẽ để hình thành và phát triển ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức ở các em từ đó định hướng từng bước cho các em rèn luyện một cách rèn luyện tự giác các kỹ năng và thói quen hành vi đạo đức tương ứng. Vì vậy, Hiệu trưởng phải quan tâm đến công tác dạy học bộ môn này, tránh tình trạng cho là môn phụ nên xem nhẹ hoặc thiếu quan tâm, dễ dẫn đến tình trạng dạy qua loa, thẩm chí bị cắt xén nội dung. Như vậy chẳng những không hỗ trợ đắc lực cho công tác giáo dục đạo đức mà còn ngược lại.

3.4. Hiệu trưởng quản lý công tác giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên

Hiệu trưởng càn làm cho tập thể sư phạm nhà trường nhận thức được rằng giáo dục đạo đức cho học sinh là một quá trình thường xuyên và liên tục, diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Trong tất cả các hoạt động đều có thể và phải thực hiện yêu cầu này. Một giờ dạy trên lớp không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức khoa học cho học sinh mà còn là giáo dục cho các em những hành vi, cử chỉ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn. Ví dụ như qua một giờ tập thể dục không chỉ yêu cầu học sinh biết kỹ thuật, động tác mà còn yêu cầu các em phải rèn luyện được ý thức kỷ luật, tinh thần tập thể, tác phong nhanh nhẹn; Những bài dạy thuộc các môn khoa học có khả năng rất phong phú trong việc giáo dục những nhận thức chính trị đúng đắn, những tình cảm, đạo đức tốt như:  yêu quê hương đất nước, yêu lao động, lòng tự hào dân tộc, . . .

3.5. Hiệu trưởng chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp

Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ( NGLL) là những hoạt động giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp, bao gồm tất cả các hoạt động nối tiếp các hoạt động giáo dục trong giờ học.

Một số các hoạt động giáo dục NGLL nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh mà Hiệu trưởng cần quan tâm chỉ đạo là:

– Giáo dục đạo đức thông qua lao động

– Giáo dục đạo đức thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, đoàn thể và sinh hoạt tập thể.

3.6. Tổ chức, xây dựng và quản lý tốt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp để đảm bảo công tác giáo dục cho học sinh có kết quả tốt

Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có thể coi là lực lượng chủ yếu trong công tác giáo dục đạo đức, vì giáo viên chủ nhiệm lớp là người quản lý mọi mặt của lớp học, lầ người có trách nhiệm cao hơn cả trong việc giáo dục học sinh. Vì vậy, Hiệu trưởng cần đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng giáo viên chủ nhiệm. Cần giúp đỡ đôn đốc giáo viên chủ nhiệm làm tốt 4 nhiệm vụ sau:

– Nắm vững tình hình đạo đức và các mặt khác của học sinh lớp mình, xây dựng kế hoạch giáo dục của lớp, phát hiện, phản ảnh, đề xuất với Hiệu trưởng và các giáo viên khác tình hình của lớp.

– Kết hợp chặt chẽ với Đoàn, Đội để xây dựng lớp thành tập thể lớp đoàn kết tiến bộ về mọi mặt.

– Phối hợp với cha mẹ học sinh để gia đình cùng cộng tác trong việc giáo dục các em.

– Quan tâm chú ý giáo dục các học sinh cá biệt.

– Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm làm tốt việc đánh giá phẩm chất học sinh.

3.7. Phát huy vai  trò làm chủ của học sinh, vai trò của Đoàn, Đội trong việc xây dựng tập thể học sinh

Chỉ đạo giáo  viên chủ nhiệm lớp xây dựng lớp thành những tập thể mạnh, có lực lượng cốt cấn làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Đoàn, Đội trong mọi công tác giáo dục của nhà trường để đản bảo thống nhất việc đánh giá tình hình và yêu cầu đạo đức, nhất trí về những biện pháp phải thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể.

3.8. Hiệu trưởng tổ chức, xây dựng các lực lượng và điều kiện giáo dục trong và ngoài nhà trường để giáo dục đạo đức cho học sinh

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh là một công việc và trách nhiệm của mỗi giáo viên, của toàn bộ nhà trường chứ không phải là của riêng giáo viên chủ nhiệm hay một vài giáo viên nào. Để làm tròn trách nhiệm này thì trước hết người thầy giáo phải là người nắm vững và thể hiện những tiêu chuẩn đạo đức đó. Hiệu trưởng phải giúp cho giáo viên nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề nhưng vẻ vang của mình là đào tạo con người. Phải thương yêu học sinh thật sự, phải có ý thức trách nhiệm về mọi hành vi, ngôn ngữ, cử chỉ của  mình đối với học sinh. Bản thân mình phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Phải thương yêu, tôn trọng và tin tưởng học sinh mới có thể giáo dục tốt được. Muốn vậy, người Hiệu trưởng phải tổ  chức làm sao cho tập thể giáo viên trong trường gương mẫu về mọi mặt, đoàn kết nhất trí thành một khối thống nhất, có tác dụng giáo dục mạnh mẽ đối với học sinh. Vì một trong những nguyên tắc giáo dục đó là: phải thống nhất mọi ảnh hưởng giáo dục ngay trong nhà trường. Tránh tình trạng  ông nói gà bà nói vịt, người  quan tâm kẻ thờ ơ, . . .

3.9. Xây dựng môi trường giáo dục tốt để giáo dục học sinh

Một trong những yếu tố góp phần hết sức  quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh là: “ Cảnh quan sư phạm; làm sao để nhà trường đúng là   “ nhà trường”, từ “nhà trường” đúng nghĩa  của nó đã mang  yếu tố giáo dục.

Dù trong hoàn cảnh nào, Hiệu trưởng cũng cần tổ chức, sắp xếp, tu sửa bộ mặt vật chất, quang cảnh của nhà trường. Làm sao cho toàn bộ khung cảnh của trường đều toát lên ý nghĩa giáo dục đối với tất cả học sinh.

Ngoài khung cảnh  vật chất, Hiệu trưởng cần tạo ra một bầu không khí giáo dục trong toàn trường và ở mỗi lớp học. Từ đó  hình thành nên một phong cách sinh hoạt của nhà trường.

3.10. Chủ động phối hợp với gia đình, xã hội để giáo dục đạo đức cho học  sinh

Ngay từ đầu năm học, cần sớm hình thành ổn định tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và của trường để giữa nhà trường và gia đình nắm chắc tình hình đạo đức của học sinh, cùng thống nhất những quan điểm, nội dung, phương pháp giáo dục con em mình làm gương cho con em về các mặt.

3.11. Kiểm tra, sơ kết, tổng kết

Tóm lại: Người Hiệu trưởng phải xác định đúng tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức ở nhà trường để có kế hoạch hoàn chỉnh, có sự quan tâm đúng mức trong việc giáo dục học sinh. Người Hiệu trưởng phải làm sao cho tập thể sư phạm nhà trường cùng thấy được nhiệm vụ quan trọng này, để ngoài việc dạy chữ cho tốt, còn phải lưu tâm hết lòng giáo dục các em thành người tốt, người phát triển toàn diện cả tài lẫn đức./.

 

NGƯỜI VIẾT

 

                                                                        Cao Thanh Thủy