Hằng năm có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng. Đặc biệt tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi trẻ em là nhiều nhất. Theo báo cáo toàn cầu của WHO tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 6400 người tử vong do đuối nước trong đó mỗi ngày có khoảng 20 trẻ em bị đuối nước. Hiện nay khi mực nước lũ tại Đồng Tháp đang ở mức báo động 3 thì nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Vậy đuối nước là gì, nguyên nhân dẫn đến đuối nước và cách phòng tránh ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
- Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong ?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Hay nói cách khác: Chết đuối là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
Người ta thống kê có khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước. Nguyên nhân có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô. Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
- Nguyên nhân đuối nước.
+ Không biết bơi.
+ Chơi gần sông, ao, hồ…, không có người lớn trông chừng.
+ Đi bơi không có người lớn biết bơi đi kèm.
+ Không biết các nguyên tắc an toàn khi đi bơi.
+ Bị lũ cuốn trong mùa lũ.
+ Đi tàu, xuồng, thuyền, đò… không mặc áo phao.
+ Cứu bạn chết đuối khi mình không biết bơi hoặc bơi không giỏi.
+ Dễ bị bạn bè khích động (đặc biệt các em trai) làm những việc nguy hiểm như: nhảy cắm đầu, bơi thi ở nơi nước sâu, chảy xiết…
- Cách phòng tránh tai nạn đuối nước.
Để phòng tránh tai nạn đuối nước chúng ta cần chú ý quan tâm đến các việc sau:
– Không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
– Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ.
– Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
– Cần mặc áo phao, cặp phao hoặc có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua sông, kênh, rạch, đập tràn,…
– Khi có bạn bị đuối nước thì hô hoán cho mọi người (người lớn) cứu giúp. Nếu không có ai hỗ trợ thì đảm bảo nguyên tắc bản thân an toàn trước khi cứu bạn. Dùng phao, vật nổi, cây hoặc dây để cứu người chứ không tự ý nhảy xuống cứu.
– Tham gia các lớp dạy bơi do địa phương và nhà trường tổ chức.
* Những điều cần nên làm:
– Học bơi theo từng lớp có người quản lý hoặc do người lớn hướng dẫn. Khi các em có thể bơi được 25m liên tục và tự làm nổi người ít nhất 5 phút mới được coi là biết bơi.
– Khi đi bơi các em nhớ tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:
+ Chỉ tắm, bơi khi được người lớn giám sát và cho phép.
+ Chỉ bơi ở những nơi an toàn như: nước ngang đến ngực, không chảy xiết, không có xoáy.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Chỉ bơi khi có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.
+ Phải khởi động kỹ trước khi xuống nước.
+ Lên bờ ngay khi trời tối, mưa, sấm chớp.
– Làm hàng rào quanh ao, hố nước, rãnh nước quanh nhà, làm cổng cửa chắn (đặc biệt khi nhà ở gần sông hồ…).
– Luôn đậy giếng, bể, lu chứa nước…bằng các nấp đậy an toàn (cứng, trẻ dẫm lên không lọt).
– Chỉ tập bơi hoặc bơi ở những nơi có người lớn và phương tiện cứu hộ , tuân thủ các quy định của bể bơi , hồ bơi
– Khi đi xuồng, đò phải ngồi đúng vị trí quy định của mình, không đùa giỡn.
* Những điều không nên làm:
+ Không bơi ở những nơi có biển báo nguy hiểm, nước chảy xiết, nước sâu.
+ Không nhảy cấm đầu hoặc bơi thi ở những nơi không có chỉ dẫn.
+ Chơi đùa gần sông, hồ, ao, mương, hố nước…và những nơi có biển báo nguy hiểm.
+ Tự ý bơi xuồng, thuyền…khi chưa xin phép người lớn.
+ Không nhảy xuống nước khi vừa đi ngoài nắng về hoặc khi có nhiều mồ hôi.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
- Kỹ thuật giúp thoát chết đuối dù không biết bơi:
Thực hiện theo 4 bước sau:
– Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể lấy tay bịt mũi) để phổi không bị sặc nước, trở thành cái phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên.
– Tiếp tục thả lỏng người để nước đẩy lên sát mặt nước trở về tư thế bập bênh bán an toàn, đầu nổi sát mặt nước, chân ở phía nước sâu.
– Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước hoặc cũng có thể quạt nước xiên, đẩy người bơi đi dễ dàng bởi trong nước người trở nên nhẹ hơn so với trên cạn.
– Khi chuyển động lên xuống, tới trước hãy nhớ trên mặt nước há miệng to thở vào nhanh và sâu, dưới mặt nước ngậm miệng, thở ra từ từ bằng mũi, hoặc bằng mồm.
- Kỹ năng sơ cứu đuối nước:
Nếu trẻ vẫn tỉnh, chỉ lo sợ hoảng hốt:
– An ủi trẻ, đặt trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng một bên giúp nước, dịch thoát ra nhanh chóng (tư thế an toàn).
– Kiểm tra và moi hết dị vật trong miệng và đường thở của trẻ.
Nếu trẻ bất tỉnh, thở yếu hoặc đã ngưng thở, lập tức sơ cứu theo các bước sau:
– Bước 1: Đẩy đầu nạn nhân về phía sau, nâng hai hàm răng gần như chạm nhau, quan sát và lắng nghe hơi thở nạn nhân.
– Bước 2: Nạn nhân không còn thở, bịt mũi nạn nhân dùng miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phòng
– Bước 3: Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.
– Bước 4: Ủ ấm chống choáng: Khi nạn nhân vào bờ mà còn tỉnh táo hoặc sau khi xốc nước và làm hô hấp nhân tạo, nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô cho nạn nhân dùng khăn ủ ấm và cho uống nước trà nóng hay cà phê rồi chuyển đến cơ sở y tế.
* Mùa mùa mưa lũ đã đến, mong rằng các bạn hãy quan tâm hơn nữa đến công tác phòng chống đuối nước để tránh những rủi ro. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện tốt cách phòng chống đuối nước cho mình và tuyên truyền cho cộng đồng cùng nhau thực hiện cách phòng chống các tai nạn đáng tiếc xảy ra để các em có một cuộc sống vui tươi khỏe mạnh.
Thơ tuyên truyền phòng tránh đuối nước
Tập bơi nên chọn chỗ gần,
Nước nông, quen thuộc, khi cần kêu to.
“Qua sông thì phải luỵ đò”,
Áo phao nên mặc để cho an toàn.
Thi bơi, nhảy cắm, đùa càn,
Nơi nước sâu, xiết xin ngàn lần không.
Thấy người gặp nạn nơi sông,
Nếu không bơi giỏi thì không nên liều.
Nhanh chân, nhanh miệng ta kêu,
Gọi người đến cứu là điều khôn ngoan.
Vui chơi nhưng phải an toàn,
Không nhảy xuống nước khi toàn mồ hôi./.
Bài viết: Q. Trung.