TƯ TƯỞNG ĐỔI MỚI TRONG LÃNH ĐẠO, QUẢN TRỊ NHÀ TRƯỜNG
Quản trị chính là tìm ra phương thức phù hợp, giúp mọi người trong một tổ chức thực hiện công việc đạt hiệu quả tối ưu nhất. Quản trị cần đưa ra những quyết đoán để kiểm soát các hoạt động trong tổ chức.
Quan điểm đổi mới về quản lý lãnh đạo nhà trường là quan điểm hiện đại và phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và phát triển giáo dục trong thời đại hội nhập, kinh tế tri thức và phát triển KH&CN.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề cao tính chủ động, sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên; nhất là với hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông. Vì vậy, cần đổi mới tư duy về quản trị nhà trường.
Người Hiệu trưởng cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phải sáng tạo và phát huy hết năng lực của mình cho sự phát triển của nhà trường. Muốn đạt được những yêu cầu đổi mới trong nhà trường, người Hiệu trưởng cần nghiên cứu những vấn đề sau:
- Nắm vững “văn hóa” nhà trường
Văn hóa nhà trường liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường. Nó biểu hiện trước hết trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý… bầu không khí tâm lý. Thể hiện thông qua các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin, quy tắc ứng xử… được xem là tốt đẹp và được mỗi người trong nhà trường chấp nhận.
- Có chiến lược phát triển
Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường là bản kế hoạch, trong đó có những định hướng lớn thể hiện hình ảnh hiện thực trong tương lai mà nhà trường mong đạt tới và các giải pháp chiến lược để đạt được trên cơ sở khả năng hiện tại, đảm bảo cho nhà trường có được sự phát triển.
- Phát triển đội ngũ
Đội ngũ cán bộ, viên chức là lực lượng cơ bản tham gia xây dựng và phát triển nhà trường, trong đó đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì vậy, người Hiệu trưởng phải nắm rõ vai trò quản lý của mình. Cụ thể, Hiệu trưởng phải xây dựng đội ngũ nhà giáo được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo thông qua việc quản lý phát triển đúng định hướng và có hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Huy động mọi nguồn lực phát triển nhà trường
Hiệu trưởng cần nắm vững nguồn lực của nhà trường là tập hợp các yếu tố mà nhà trường sử dụng để thực hiện nhiệm vụ, bao gồm: Nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất, nguồn lực thông tin.
Trên cơ sở nắm vững các nhân tố bên trong và bên ngoài nhà trường ảnh hưởng đến nguồn lực, Hiệu trưởng xác định được vai trò của mình trong việc huy động các nguồn lực phát triển nhà trường.
- Phát triển giáo dục toàn diện học sinh
Lãnh đạo và quản lý phát triển giáo dục toàn diện học sinh là lãnh đạo và quản lý các hoạt động dạy học, giáo dục trong trường phổ thông giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản hình thành nhân cách con người Việt Nam, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đảm bảo tính dân chủ, công bằng
Xây dựng quy chế khen thưởng phù hợp với tình hình của nhà trường động viên khích lệ được cán bộ, giáo viên, nhân viên. Ngoài ra còn đổi mới công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó tập trung và làm tốt công tác huy động nguồn lực xây dựng nhà trường. Việc đổi mới trong công tác xã hội hóa cần làm tốt công tác phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
- Xu hướng công nghệ mới
Áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục góp phần thúc đẩy hoạt động “học tập suốt đời” dựa trên kho tài liệu trực tuyến. Trong số đó có thể kể đến một số hoạt động chia sẻ bài giảng điện tử từ những người dạy học có chuyên môn cao.
- Nhu cầu thay đổi để đáp ứng môi trường và xã hội thay đổi
Cần ứng dụng chuyển đổi số để quản trị hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong quản lý, thống kê, báo cáo… Việc thúc đẩy sự tham gia, làm chủ công nghệ trở thành định hướng ưu tiên mới, nhà trường hướng đến xây dựng hệ thống hỗ trợ quyết định, giải quyết mọi vấn đề trước thị trường ngày càng biến động.
- Sự tác động từ phía giáo viên, nhân viên
Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường trong bối cảnh mới không chỉ phải có kiến thức, nghiệp vụ trong dạy học mà còn phải xử lý nhiều thủ tục hành chính. Họ luôn có mong muốn giảm tải những công tác thủ công tốn nhiều thời gian để tập trung phát triển chuyên môn. Lúc này, sự đổi mới cách thức vận hành liền mạch, tự động trở thành giải pháp cần thiết./.
NGƯỜI VIẾT
Cao Thanh Thủy