NHỮNG CÁI MỚI TRONG NGHỊ ĐỊNH 116/2021/NĐ-CP

Tên file: Nghi-dinh-116-2021-ND-CP..pdf
Tải về

Ngày 21/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghị định do Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam ký và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Bao gồm 8 chương và 89 Điều.

Nghị định này quy định chi tiết về:

  1. Điều kiện hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập; thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện; thủ tục đăng ký, công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
  2. Quy trình cai nghiện ma túy. (Chương III)

– Điều 22. Tiếp nhận, phân loại.

– Điều 23. Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác.

– Điều 24. Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách.

– Điều 25. Lao động trị liệu, học nghề.

– Điều 26. Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

  1. Cai nghiện ma túy tự nguyện.
  2. Cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  3. Cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
  4. Quản lý sau cai nghiện ma túy.

Nghị định số 116/2021/NĐ-CP có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản công tác cai nghiện. Cụ thể:

Thứ nhất, về quy trình cai nghiện ma túy, trên cơ sở quy định của Luật phòng, chống ma túy năm 2021, lần đầu tiên quy trình cai nghiện ma túy với 5 giai đoạn, kết hợp các biện pháp y tế, giáo dục, lao động, hỗ trợ xã hội được quy định thành 01 chương, với các nội dung cụ thể, chi tiết trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, đồng thời, cũng quy định rõ việc tổ chức cai nghiện ma túy phải được thực hiện theo quy trình cai nghiện này ở tất cả các hình thức, biện pháp cai nghiện.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo tính thống nhất, khoa học và thực tiễn trong việc tổ chức cai nghiện ma túy hiện nay, khắc phục tình trạng các cơ sở cai nghiện do không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự nên không thực hiện đầy đủ quy trình dẫn đến chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy hiện nay chưa được như mong muốn.

Thứ hai, về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, vì là hoạt động chuyên môn, cần thực hiện bởi các đơn vị có đủ các điều kiện (như tại các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy) đảm bảo theo quy trình cai nghiện thống nhất. Do vậy, các quy định về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng của Nghị định được xây dựng theo hướng: người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký và tự nguyện cai nghiện; các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy phối hợp với gia đình, cộng đồng thực hiện việc hỗ trợ người nghiện ma túy trong suốt thời gian cai nghiện.

Để đảm bảo các điều kiện tổ chức cai nghiện, chính sách khuyến khích, động viên người nghiện tự nguyện cai nghiện, Nghị định cũng quy định cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự của cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; trình tự, thủ tục đăng ký, công bố tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy; chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện; chế độ hỗ trợ đối với người tham gia công tác quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Để bảo đảm việc bố trí, huy động các nguồn lực hiện có tham gia, hỗ trợ cai nghiện tự nguyện, Nghị định đã thay đổi cơ quan chủ trì tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ UBND cấp xã sang UBND cấp huyện; quy định cụ thể hơn các nội dung quản lý cai nghiện tự nguyện của UBND cấp xã.

Thứ ba, về cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, để đảm bảo sự thống nhất trong việc thực hiện quy trình cai nghiện ma túy, Nghị định xác định chỉ cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện toàn bộ quy trình cai nghiện và tất cả cơ sở chỉ được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình cai nghiện, dự kiến đến năm 2024, 100% cơ sở cai nghiện đủ điều kiện. Đồng thời, giao việc cấp giấy phép hoạt động cai nghiện tự nguyện, quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy do tổ chức, cá nhân thành lập (cơ sở tư nhân) về cho các Sở LĐTBXH.

Thứ tư, cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên (biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được điều chỉnh phù hợp, bám sát Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng minh bạch, đơn giản, rút gọn hồ sơ, trình tự thực hiện; làm rõ vai trò của từng cơ quan trong triển khai.

Thứ năm, cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi (không coi là biện pháp xử lý hành chính). Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với tinh thần đây là một trong các biện pháp hỗ trợ nhằm giúp trẻ em cai nghiện, phục hồi về sức khỏe, hành vi để tiếp tục học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ sáu, về quản lý sau cai nghiện ma túy, dù không nằm trong quy trình nhưng quản lý sau cai nghiện ma túy có vai trò đặc biệt quan trọng, duy trì kết quả cai nghiện ma túy. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, bên cạnh việc quy định cụ thể trình tự, thủ tục quản lý người nghiện sau cai, Nghị định đã quy trách nhiệm cho gia đình, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước để họ từng bước tạo dựng sinh kế, hòa nhập xã hội./.

Về xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Trưởng Công an cấp xã lập biên bản hành vi vi phạm theo Mẫu số 27 Phụ lục II Nghị định này để làm căn cứ lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp sau:

  1. a) Người nghiện ma túy không đăng ký cai nghiện tự nguyện.
  2. b) Người đã có quyết định cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng mà không thực hiện cai nghiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy.
  3. c) Người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian cai nghiện tự nguyện.
  4. d) Người nghiện ma túy không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị khi đăng ký điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý người nghiện ma túy:

  1. a) Không để người được quản lý tiếp tục vi phạm pháp luật.
  2. b) Bảo đảm sự có mặt của người được quản lý khi có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  3. c) Báo cáo kịp thời với cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
  4. d) Cơ sở quản lý có trách nhiệm quản lý, giáo dục, tư vấn, điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh khác đối với người nghiện ma túy.

Về trách nhiệm của người nghiện ma túy được quản lý:

  1. a) Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về tạm trú, tạm vắng; khi đi khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn để ở lại địa phương khác phải thông báo cho gia đình, cơ quan, tổ chức được giao quản lý biết về địa chỉ, thời gian tạm trú tại đó.
  2. b) Có mặt tại trụ sở của cơ quan lập hồ sơ khi được yêu cầu. c) Tuân thủ nội quy, quy chế của cơ sở quản lý.

Cuối Nghị định có ban hành kèm (Phụ lục I – danh mục trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy) và (Phụ lục II – Danh mục các mẫu, biểu để sử dụng thống nhất trong việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy).

Nguyễn Hoàng Em – GV TPT Đội. (Đính kèm tệp tin gốc về Nghị Định 116/2021/NĐ-CP)